Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (viết tắt là Chương trình).

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

là một trong những trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 (Ảnh sưu tầm)

 

Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 06 nội dung là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình, Chính phủ đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội; Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính./.


Đào Nhật Đạc