ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LÀ MỘT TRONG NHỮNG MŨI NHỌN QUAN TRỌNG HƯỚNG TỚI HOÀN THÀNH KHO BẠC SỐ VÀO NĂM 2030

Thực hiện mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) là hoàn thành xây dựng Kho bạc số vào năm 2030, thời gian qua KBNN đã khẩn trương đẩy mạnh triển khai hoàn thành nhiều nhiệm vụ về tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT hướng tới Kho bạc số.

Giao diện Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước trên máy tính

Công nghệ thông tin ngày càng được hiện đại hóa

Để thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, thời gian qua toàn hệ thống KBNN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. KBNN đã duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 (11/11), với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT; hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) với số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT đạt tỷ lệ trên 99,6%.

Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng mạnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư, sớm phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, KBNN tích cực triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số (như USB token, ikey, smart card, SIM…), cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay) khi sử dụng, góp phần phòng chống việc cho mượn thiết bị bảo mật, qua đó tăng cường an toàn, an ninh thông tin.

Điểm nhấn quan trọng của tiến trình hiện đại hóa hệ thống KBNN là triển khai thành công trên phạm vi toàn quốc hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (hệ thống ĐTKB-GD), đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN theo phương thức điện tử, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Dữ liệu báo cáo giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày được tổng hợp từ KBNN huyện, KBNN tỉnh và được đồng bộ lên KBNN Trung ương. Số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương một cách công khai, minh bạch, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp chính quyền địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung và liên thông các hệ thống công nghệ thông tin đã được KBNN triển khai thành công. Đây là bước cải tiến lớn trong công cuộc hiện đại hóa của ngành Tài chính nói chung, hệ thống KBNN nói riêng. Triển khai mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung đã góp phần hoàn thiện liên thông các hoạt động nghiệp vụ KBNN, mang lại nhiều lợi ích cho cả KBNN và đơn vị giao dịch: Tự động hóa tối đa các bước xử lý trên ứng dụng, rút ngắn thời gian kiểm soát các món chi ngân sách, góp phần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn NSNN, nâng cao năng suất cũng như chất lượng lao động của công chức hệ thống KBNN...

Ngoài ra, KBNN đã mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí, thu phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; Triển khai thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN Hà Nội, KBNN Thành phố Hồ Chí Minh; Ban hành chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống CNTT của KBNN...

Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại tại Trung tâm dữ liệu KBNN

 

Đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo từng giai đoạn

Để kế thừa và phát triển tiếp các kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hiện đại hóa hệ thống KBNN đã đạt được, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN, KBNN đã đề ra tiến trình thực hiện các nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo 2 giai đoạn, Giai đoạn từ nay đến năm 2026; Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.

Trong giai đoạn thứ nhất, toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Định danh từng khoản thu NSNN; Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung; Hoàn thiện quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo tài chính nhà nước (2022-2026); Hoàn thiện cơ chế, quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo quyết toán NSNN; Số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; Thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN...

Đối với giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, KBNN sẽ đổi mới công nghệ quản lý cam kết chi NSNN; Phân cấp kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro; Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở kết nối, thu thập dữ liệu từ các đơn vị kế toán nhà nước, cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều theo từng cấp độ tổng hợp thông tin về NSNN và tài chính nhà nước; Xây dựng và từng bước triển khai đề án mô hình kho bạc 2 cấp; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống CNTT...

Hoạt động giao dịch “3 không” tại KBNN tỉnh, thành phố

Giải pháp thực hiện

Nhận thức được tầm quan trọng của Chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn về công nghệ, cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ. Để đảm bảo thực hiện cái cách hiện đại hoá, hoàn thành xây dựng Kho bạc số theo mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đề ra, KBNN cần phải triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần phải lập kế hoạch cụ thể theo lộ trình từng tháng, quý, năm các chương trình, đề án chính sách nghiệp vụ, làm cơ sở cho Cục CNTT xây dựng kế hoạch chi tiết việc triển khai ứng dụng CNTT.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của KBNN phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo có đủ nguồn kinh phí để thực hiện cải cách, hiện đại hóa KBNN, trang bị công nghệ cũng như các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư nguồn lực để đảm bảo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và triển khai hệ thống CNTT.

Thứ ba, đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu để áp dụng một cách hiệu quả và thực chất các thành quả của cuộc CMCN lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,… vào các bài toán nghiệp vụ, góp phần cải cách thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ của KBNN.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển và đa dạng hóa các hình thức hợp tác, tiếp cận các công nghệ quản lý hiện đại trong lĩnh vực Kho bạc và tranh thủ các nguồn lực quốc tế; hỗ trợ, chia sẻ học tập kinh nghiệm với kho bạc các nước.

Thứ năm, có chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao làm nòng cốt, song song với việc đẩy mạnh thuê ngoài thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT; Đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý và công chức nghiệp vụ.

Thứ sáu, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức: tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các đơn vị và từng cá nhân công chức, viên chức, người lao động `về ý nghĩa, vai trò, nội dung và tầm quan trọng của quá trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN, của Chuyển đổi số, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Kho bạc số đến năm 2030./.

 

KBNN