Chi bộ 2 tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý 2/2023 với chủ đề: NHẬN DIỆN BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM

Thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2023), thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy tại công văn số 410-CV/ĐU ngày 13/4/2023 về việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, căn cứ Nghị quyết thường kỳ tháng 5/2023 của Chi bộ.

Sáng ngày 12/5/2023 Chi bộ 2 tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý 2/2023 với chủ đề: Nhận diện “Bệnh sợ trách nhiệm” trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi đồng chí Nguyễn Quốc Trường – Phó Bí thư Chi bộ đọc bài “Bệnh sợ trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Thị Bắc Hà, Bí thư Chi bộ 2 đặt vấn đề về một số nội dung trọng tâm để gợi ý nhận diện “Bệnh sợ trách nhiệm” tập trung vào: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường đưa ra lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động. Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Tại buổi sinh hoạt, toàn thể đảng viên và công chức Chi bộ 2 đều đưa ra những ý kiến thảo luận sôi nổi, bày tỏ những quan điểm nhận diện “Bệnh sợ trách nhiệm”  và cách phòng tránh, các ý kiến của đảng viên, công chức cũng nhận diện và chỉ ra những khuyết điểm để “tự soi, tự sửa”; mỗi ý kiến đều được tập thể đưa ra bàn luận và đi đến thống nhất ý chí. Điển hình và nổi bật có các ý kiến đề xuất tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung nhất là khi mỗi cá nhân thực hiện nhiệm vụ đột xuất thì cần có sự phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ chính xác để tổng hợp báo cáo; trong thời gian làm việc, cần có sự tập trung vào công việc của mình, khi cần giải lao hay trao đổi việc riêng cần phải chú ý để không ảnh hưởng đến công việc của người khác; bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ ra những những tồn tại, hạn chế là do xuất phát từ năng lực mỗi cá nhân có thể đáp ứng công việc ở một mức độ khác nhau, thực tiễn phát sinh đa dạng, không có quy định cụ thể nên tâm lý còn e ngại, chưa tự tin, chưa mạnh dạn trong đề xuất tham mưu,… đó không phải là sợ trách nhiệm, không phải là làm việc cầm chừng hay né tránh, ngại va chạm…

Tập thể Đảng Viên-CBCC chi bộ 2 tích cực thảo luận đưa ra các biện pháp.

Qua những ý kiến thảo luận, phân tích đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, mà trên hết và trước hết là nhận thức của mỗi đảng viên, công chức được nâng lên, ý thức được vị trí của mình đối với việc, từ đó liên hệ vai trò, trách nhiệm, thể hiện thái độ của chính mình trong hành động, từ cử chỉ, lời nói, tác phong và phương pháp làm việc, phát huy thực sự tinh thần thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình; góp phần khơi dậy ý thức của bản thân đối với công việc hằng ngày, mạnh dạn nhận khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, cùng hoàn thành nhiệm vụ chung.

Kết thúc buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ đưa ra ý kiến nhận xét về nội dung và tinh thần buổi sinh hoạt, qua đó đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt và ý nghĩa thực sự mà buổi sinh hoạt đã mang lại; đồng thời đề nghị toàn thể đảng viên, công chức thường xuyên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong theo phong cách của Bác Hồ, nỗ lực vượt qua những khó khăn và hạn chế của chính mình để luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, làm thật tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp và hỗ trợ thật tốt với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị, cơ quan, đặc biệt là nâng cao chất lượng tham mưu cho lãnh đạo cấp trên, từng bước sẽ triệt tiêu bệnh sợ trách nhiệm trong mỗi người./.

Truongnq