Nghiệm thu Đề tài: “Giải pháp xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong tác thanh tra chuyên ngành của Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận.”
Ngày 30/8, Tại trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN), Hội đồng Khoa học và Công nghệ KBNN tiến hành nghiệm thu Đề tài “Giải pháp xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong tác thanh tra chuyên ngành của KBNN Ninh Thuận”. Hội đồng nghiệm thu đề tài do ThS.CVCC. Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc KBNN làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Tài chính, cùng tham dự có đại diện các đơn vị thuộc KBNN.
Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2022 do KBNN Ninh Thuận chủ trì, mã số KB-07/NT-2022 do ThS. Lê Thái Vỹ - Giám đốc KBNN Ninh Thuận làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài nghiên cứu trong bối cảnh hệ thống KBNN thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 với mục tiêu hình thành Kho bạc số. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đã đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra chuyên ngành giúp cán bộ thanh tra có được công cụ tự động hóa việc kiểm tra công tác thanh toán lương, phụ cấp lương, các khoản trích nộp theo lương, phân tích số liệu về tình hình sử dụng kinh phí NSNN theo dự toán được giao cũng như tự động hóa việc cộng kiểm tra số liệu từ ảnh chụp báo cáo hay màn hình. Do vậy, KBNN Ninh Thuận đã lựa chọn đề tài “Giải pháp xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong công tác thanh tra chuyên ngành của KBNN Ninh Thuận” là đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi khách quan của thực tiễn.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của Chủ nhiệm Đề tài khoa học và nhận xét đánh giá của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài đạt được một số kết quả như sau:
Về phương diện lý luận: Tổng quan về công tác thanh tra chuyên ngành KBNN và tin học ứng dụng. Nhóm tác giả đã trình bày các vấn đề lý thuyết về hai chủ đề tương đối độc lập nhau đó là Thanh tra chuyên ngành KBNN và Tổng quan về xây dựng phần mềm tin học. Phần cuối Chương 1 là sự kết hợp hai nội dung phía trên để nói về kinh nghiệm xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong công tác thanh tra. Các nội dung được trình bày ở Chương 1 là cơ sở lý thuyết cơ bản cho việc giải quyết bài toán xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong công tác thanh tra chuyên ngành được triển khai trong Chương 3.
Về cơ sở thực tiễn: Thực trạng công tác thanh tra chuyên ngành và ứng dụng phần mềm tin học trong công tác thanh tra của KBNN Ninh Thuận. Nhóm tác giả tập trung mô tả khái quát chức năng, nhiệm vụ của KBNN Ninh Thuận và làm rõ thực trạng hoạt động thanh tra chuyên ngành đang được thực hiện tại đây. Nội dung về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được trình bày cuối Chương 2 là sự nối tiếp để người đọc hiểu được lý do và vai trò những chức năng của phần mềm được nhóm tác giả phân tích thiết kế và phát triển trong Chương 3.
Về kiến nghị và giải pháp: Giải pháp xây dựng phần mềm tin học ứng dụng trong công tác thanh tra chuyên ngành của KBNN Ninh Thuận. Nhóm tác giả đã một lần nữa nhắc lại tính cấp thiết của việc phát triển phần mềm ứng dụng trong công tác thanh tra chuyên ngành của KBNN Ninh Thuận để từ đây xác định những tiêu chí và nội dung mà phần mềm cần đạt được. Bằng phương pháp thiết kế hướng đối tượng, nhóm tác giả đã trình bày nội dung thiết kế chi tiết các chức năng của phần mềm. Các nội dung liên quan đến kiểm thử, đánh giá và hướng dẫn cài đặt, triển khai và sử dụng phần mềm được tác giả trình bày cuối chương 3.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Đề tài cũng như quá trình thực hiện công phu và nghiêm túc của Nhóm tác giả. Kết quả nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Xuất sắc./.
KBNN