KBNN Ninh Thuận: Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao về công tác lập Báo cáo Tài chính Nhà nước

Với những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc lập Báo cáo Tài chính Nhà nước (BCTCNN) các năm trước.

KBNN Ninh Thuận đã khẩn trương triển khai một số các công việc ngay từ đầu năm nhằm cải thiện chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ lập BCTCNN năm 2022, cụ thể: có văn bản đề nghị cơ quan tài chính đồng cấp rà soát, cập nhật danh sách các đơn vị dự toán cấp I; các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản cố định đặc thù thuộc cấp tỉnh gửi đến Kho bạc. Tiếp đến, có văn bản gửi đến các đơn vị dự toán cấp I, đồng thời triển khai kịp thời các văn bản đến KBNN huyện trực thuộc. Trong đó lưu ý một số nội dung như: cần kiểm tra lại số liệu báo cáo vì mặc dù báo cáo đã đảm bảo các ràng buộc logic mà Hệ thống đã thiết lập, tuy nhiên, khi tiếp nhận báo cáo đầu vào của các đơn vị, cán bộ Kho bạc vẫn phải thực hiện mở báo cáo để xem tổng quan số liệu trên báo cáo trường hợp số quá lớn hoặc quá bé thì trao đổi, xác nhận lại với đơn vị để đảm bảo tính hợp lý; kiểm tra đảm bảo đã đủ số lượng các đơn vị được tổng hợp báo cáo đầu ra trường hợp thiếu phải rà soát, tìm nguyên nhân, khắc phục tránh việc tổng hợp bị thiếu số liệu; …

Công chức KBNN Ninh Thuận kiểm tra, rà soát số liệu báo cáo đầu vào

BCTCNN của tỉnh Ninh Thuận năm 2022 được tổng hợp từ báo cáo của 283 đơn vị (bao gồm 178 đơn vị dự toán cấp I tại địa phương và 26 cơ quan quản lý thu, chi NSNN; tài sản, nguồn vốn NN (cơ quan quản lý) cấp tỉnh, gồm: Sở Tài chính, Cục Thuế; 65 đơn vị thực hiện chế độ kế toán xã và 14 đơn vị BQL dự án thực hiện chế độ kế toán áp dụng cho BQLDA sử dụng vốn đầu tư công).

Cùng với Kho bạc, hầu hết các cơ quan đơn vị có trách nhiệm lập BCTCNN đã có kinh nghiệm, chủ động, phối hợp, quan tâm hơn đến việc lập báo cáo cung cấp thông tin tài chính gửi đến Kho bạc theo đúng thời gian Luật định. Tuy nhiên, thời gian đầu do Hệ thống Tổng kế toán đang nâng cấp nên đến tháng 4/2023 các đơn vị mới thực hiện các thao tác nghiệp vụ trên Hệ thống theo thông báo của KBNN, riêng đối với một số báo cáo đầu vào “đặc thù” như: báo cáo cơ quan thuế, báo cáo Kho bạc Nhà nước, báo cáo các đơn vị Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và chức năng tổng hợp báo cáo đầu ra (huyện, tỉnh) được triển khai muộn hơn. Ngoài ra, cơ quan thuế thực hiện nâng cấp hệ thống thuế (vào ngày 06/09/2023) để sửa chỉ tiêu trên báo cáo cung cấp thông tin (CCTT) gửi KBNN vì vậy Kho bạc phải thực hiện tiếp nhận lại báo cáo CCTT do cơ quan thuế gửi, nên cũng ảnh hưởng đến thời gian tổng hợp BCTCNN.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của KBNN tại Công văn số 5281/KBNN-KTNN ngày 15/9/2023 về hướng dẫn triển khai lập BCTCNN năm 2022, theo đó công tác lập BCTCNN năm 2022 sẽ có một số nội dung xử lý khác so với các năm trước, như: Việc triển khai xử lý thông tin thuế: Sau khi KBNN thực hiện tiếp nhận báo cáo CCTTTC từ cơ quan thuế, Hệ thống tự động thực hiện lấy tỷ lệ điều tiết năm 2022 từ hệ thống TCS để điều tiết cho từng dòng dữ liệu trên báo cáo. Trường hợp không điều tiết hết được các dòng dữ liệu do sai thông tin từ cơ quan thuế (về mã KBNN, cơ quan thu, mã địa bàn, mã chương) hoặc thiếu tỷ lệ phân chia nên báo cáo ở trạng thái “Chờ xử lý, Lỗi nghiệp vụ”, cán bộ Kho bạc nhận báo cáo trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế để xác định, cập nhật thủ công lại các thông tin phù hợp để thực hiện điều tiết lại; bổ sung thêm thông tin về loại hình đơn vị đối với đơn vị dự toán cấp I; đối với báo cáo cung cấp thông tin tài chính về tài sản kết cấu hạ tầng (C02/CCTT), tài sản cố định đặc thù (C04/CCTT) cán bộ Kho bạc phải thực hiện tiếp nhận, xử lý theo từng trường hợp cụ thể đó là: trường hợp đơn vị gửi XML và trường hợp nhập thủ công;…

Mặc dù đã lưu ý các đơn vị một số nội dung cần kiểm tra trong quá trình lập BCTCNN, tuy nhiên quá trình tiếp nhận, rà soát số liệu báo cáo, vẫn phát hiện nhiều trường hợp chưa đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hợp lệ như: số liệu quá lớn, hoặc quá bé, hoặc có chênh lệch lớn so với năm 2021; cơ chế tài chính của đơn vị không được phép được phép đầu tư, nhận đầu tư góp vốn nhưng có phát sinh số liệu đầu tư tài chính - Nguồn vốn kinh doanh; theo hướng dẫn tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC các khoản hỗ trợ, tài trợ trong nước đơn vị sẽ ghi nhận vào doanh thu hoạt động khác nhưng đơn vị lại ghi nhận doanh thu viện trợ; còn phát sinh số liệu chỉ tiêu ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị không phát sinh các giao dịch liên quan đến ngoại tệ;.... Kho bạc đã từ chối tiếp nhận và phối hợp với đơn vị để giải trình, hoàn thiện và gửi lại báo cáo theo quy định.

Vì trong thời gian ngắn mà khối lượng công việc phải thực hiện tương đối nhiều nhưng với quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, KBNN Ninh Thuận đã tập trung nguồn nhân lực chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nên KBNN Ninh Thuận đã hoàn thành công tác tham mưu, tổng hợp, lập BCTCNN tỉnh 2022 theo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra./.    

Khánh Trinh