PGS. TS. Đại tá Phạm Văn Long
Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 và Chỉ thị số 09 của Bộ Chính trị (khóa X) và Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, giai đoạn 2016-2020, Thường trực Tỉnh ủy, UBND và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai 2 kế hoạch phát động toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và lực lượng Công an tỉnh triển khai chuyên đề đột phá “Xây dựng Công an cấp xã vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tinh thông về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, được trang bị kỹ năng và điều kiện cần thiết, ngang tầm nhiệm vụ”. Việc triển khai đồng bộ các kế hoạch, công tác đột phá đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh để giữ vững ANTT, tạo môi trường thuận lợi phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra gần 2.000 vụ phạm pháp hình sự. Mặc dù số vụ giảm so với thời gian trước nhưng tình hình tội phạm diễn biến theo chiều hướng tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, manh động hơn, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm ngày càng tinh vi, hình thành các nhóm, đường dây có kết cấu chặt chẽ, liên kết với các nhóm tội phạm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh; có vụ việc gây tâm lý hoang mang lo lắng, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Trong đó nhóm tội phạm chiếm tỷ lệ cao là trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Địa bàn gây án có xu thế chuyển dịch từ thành thị về nông thôn. Đáng chú ý các đối tượng phạm tội chủ yếu tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên, số đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự và không có việc làm ổn định.
|
Đại tá Phạm Văn Long, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo thành phố Nam Định kiểm tra hoạt động của Tổ công tác đặc biệt thuộc Công an thành phố Nam Định. Ảnh: Công an tỉnh |
Tình hình tái vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng (năm 2016 là 5,5%, năm 2018: 6,31% và đến năm 2020 là 8,49%); cơ cấu tội danh của người tái phạm có chiều hướng tăng dần ở một số nhóm đối tượng như giết người: 6,77%, cướp, cướp giật: 8,18%, cố ý gây thương tích: 12,68%, trộm cắp tài sản: 38,31%, và tội phạm ma túy là 26,04%. Độ tuổi người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có xu hướng trẻ hóa, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 55,32%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế đã làm suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là số thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, thường có thói quen tiếp cận các loại hình giải trí có tính chất bạo lực, đồi trụy; xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Một số mô hình phong trào, phòng chống tội phạm có nơi, có lúc còn hình thức, chưa phát triển sâu rộng. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền vận động chưa thường xuyên, liên tục, chưa có chiều sâu, chưa huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Theo số liệu rà soát, thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh đang quản lý 2.130 người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích, 1.227 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng (án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế…), hơn 2.700 người nghiện ma túy, hơn 1.000 người liên quan đến các hoạt động tệ nạn cờ bạc, mại dâm... Đây là số đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phạm tội, tái vi phạm pháp luật, cần phải tập trung biện pháp quản lý, giáo dục, cảm hóa để giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND tỉnh, lực lượng công an toàn tỉnh đã tập trung đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục các băng, ổ, nhóm tội phạm có tổ chức, côn đồ gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ động các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường tuần tra kiểm soát công khai, bí mật trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tạo hiệu ứng làm giảm tội phạm… Trong đó đã điều tra làm rõ hơn 2.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 2.300 đối tượng. Hàng năm tỷ lệ điều tra khám phá đạt trên 80%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục đối với số người lầm lỗi đã có những chuyển biến tích cực như lập trên 5.000 hồ sơ quản lý, giáo dục đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, lập trên 6.000 hồ sơ áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chấp hành quyết định đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhiều người lầm lỗi nhận được sự quan tâm của cộng đồng đã tiến bộ rõ rệt, trở thành công dân có ích, tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Để cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giữ vững và đảm bảo an ninh trật tự tới các tầng lớp nhân dân thông qua đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... và các tổ chức quần chúng làm an ninh trật tự ở cơ sở. Thực hiện đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đến nay, tỉnh Nam Định đã bố trí Công an chính quy tại 226/226 xã, phường, thị trấn (đạt 100%) với hơn 1.300 cán bộ chiến sĩ. Sau 2 năm triển khai thực hiện việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định và tạo chuyển biến rõ nét về tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Tuy nhiên Công an xã chính quy là một cấp Công an mới được thành lập, tổ chức chưa được hoàn thiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác, sinh hoạt của Công an xã chính quy còn nhiều hạn chế. Chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng đối với cán bộ Công an cấp xã tuy đã được quan tâm, song vẫn chưa tương xứng với khối lượng và tính chất công việc.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân và dự báo những nguy cơ, thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thời gian tới Công an tỉnh xác định sẽ chủ động nắm chắc tình hình, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, cần tăng cường công tác tham mưu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo 138 các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Việc xây dựng chương trình thực hiện có sự phân công cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị được giao phụ trách, quy chế phối hợp, trao đổi thông tin; đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia một cách tự giác, tự nguyện, đưa các phong trào phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu. Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư cần nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Thông tin đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, loa phóng thanh lưu động, đặc biệt tận dụng ưu thế của internet để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân kịp thời cập nhật về tình hình an ninh, trật tự, nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Bên cạnh đó, nghiên cứu, triển khai các ứng dụng tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên các trang mạng xã hội đảm bảo phù hợp với từng đơn vị, địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình triển khai cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa công tác phòng ngừa với đấu tranh và giữa các lực lượng có liên quan nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, làm trong sạch địa bàn.
Với việc triển khai đồng bộ 3 kế hoạch chuyên đề đột phá gồm: Kế hoạch phát động toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và chuyên đề công tác đột phá “Xây dựng Công an cấp xã (chính quy) vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tinh thông về pháp luật; giỏi về nghiệp vụ; được trang bị kỹ năng và điều kiện cần thiết, ngang tầm nhiệm vụ”. Công an tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao - vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân./.