Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 02 năm triển khai thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Bác Ái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, về mặt truyền thông nâng cao nhận thức, các trường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về tầm quan trọng của sữa học đường trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, phát triển trí tuệ cho trẻ và chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại gia đình; tuyên truyền về kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong trường học. Để bảo đảm quy trình cung cấp sữa đến cho các trẻ được an toàn, đơn vị cung cấp sữa đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên việc thực hiện hồ sơ sổ sách, phiếu theo dõi việc giao, nhận, lưu trữ và bảo quản sữa, phân phối sữa, cân, đo, theo dõi, đánh giá kết quả phát triển của trẻ; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý phụ trách dinh dưỡng trẻ em và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho trẻ trong trường mầm non. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức cho trẻ uống sữa, đã tiến hành phối hợp với y tế xã, ban đại diện cha mẹ trẻ và cha mẹ trẻ trong việc tổ chức, theo dõi, kiểm tra sức khỏe trẻ và việc cho trẻ uống sữa hằng ngày.
Trẻ em Trường Mẫu giáo Phước Tiến, huyện Bác Ái được thụ hưởng từ Chương trình “Sữa học đường”
Các trường mầm non, mẫu giáo đã tổ chức cho trẻ uống sữa ngay khi nhận sữa từ nhà cung cấp. Trong quá trình thực hiện, định kỳ 01 quý/lần các trường tổ chức cân đo trẻ và theo dõi biểu đồ tăng trưởng, số liệu kết quả cân đo trẻ, được lưu trữ tại sổ theo dõi nhóm lớp và theo dõi theo từng độ tuổi của nhà trường, để theo dõi đánh giá, so sánh giữa đầu kỳ và cuối kỳ thực hiện chương trình. Ban đại diện cha mẹ trẻ cùng tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình từ khâu tiếp nhận, bảo quản sữa, thực hành cho trẻ uống sữa và xử lý rác thải.
Kết thúc 02 năm thực hiện thí điểm, số trẻ tham gia theo từng năm học tăng lên, năm học 2019-2020 số trẻ được thụ hưởng là 1.323 trẻ thì năm học 2020-2021 tăng lên 2.014 trẻ. Số hộp sữa nhận tại trường trong năm học 2019-2020 là 140.162 hộp thì trong năm học 2020-2021 là 199.665 hộp. Tỷ lệ trẻ em được cân đo về sức khỏe đạt 100%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm học cải thiện rõ rệt. Minh chứng như thời điểm tháng 9 năm học 2019-2020, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm tỷ lệ là 30,82% thì đến tháng 5 năm học 2020-2021 giảm còn 13,49%; theo thời gian tương ứng nêu trên, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ là 34,85% thì giảm còn 18,49%; trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm tỷ lệ là 21,05% thì giảm còn 8,82% và trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ là 25,14% thì giảm còn 10,12%.
Xét về hiệu quả tích cực khác, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, thông qua thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường”, tỷ lệ trẻ ra lớp ngày càng cao, năm học 2020-2021 trẻ ra lớp của huyện Bác Ái vượt chỉ tiêu giao đạt tỷ lệ 107,1% kế hoạch giao. Cha mẹ trẻ tham gia các hoạt động của nhà trường tích cực hơn, số lượng tham gia ngày càng tăng. Hầu hết các trường học cũng như cha mẹ trẻ nhiệt tình ủng hộ và phấn khởi khi trẻ được thụ hưởng trực tiếp từ Chương trình này. Bên cạnh đó, ngoài chất lượng của sữa học đường mang lại, thì chương trình còn trang bị thêm cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc hướng dẫn các em gấp gọn hộp sữa sau khi sử dụng và thu gom xử lý rác thải. Đây là một Chương trình có rất nhiều ý nghĩa, giàu tính nhân văn góp phần tích cực hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái trong giai đoạn 2019-2020./.